Thông tin báo chí

Mô hình tiến hành đồng thời các phương thức canh tác cây biến đổi gen và không biến đổi gen

Tính đến năm 2017, thế giới có gần 7.6 tỷ người; ước tính đến năm 2050, dân số thế giới có thể đạt tới 9.8 tỷ người. Tốc độ tăng trưởng dân số theo cấp số mũ, nguồn tài nguyên suy giảm, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn làm khiến yêu cầu về việc ứng dụng nhiều phương thức canh tác khác nhau nhằm đảm bảo an ninh lương thực trở nên cấp bách. Chiến lược triển khai hệ thống sản xuất nông nghiệp tồn tại đồng thời nhiều phương thức khác nhau trở thành lựa chọn khả thi tại nhiều quốc gia.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) định nghĩa sự tồn tại đồng thời (co-existence) là một phương thức canh tác cùng lúc các loại cây trồng truyền thống, hữu cơ, cây đầu dòng và cây trồng biến đổi gen (BĐG)/ cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) tại các khu vực tiếp giáp nhau, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng và lựa chọn của nông dân. Cây trồng truyền thống là các giống cây không-BĐG và không đi theo các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ. Cây trồng hữu cơ được canh tác dựa trên các quy định hữu cơ của quốc gia. Cây đầu dòng (IP) được đảm bảo chất lượng tương tự nguồn giống. Cây trồng BĐG là cây trồng được phát triển từ các kỹ thuật CNSH hiện đại. Vì vậy, mô hình tồn tại đồng thời sẽ mang đến cho người nông dân sự tự do để lựa chọn hệ thống sản xuất tốt nhất với giá trị cao nhất.

Một số mô hình thành công

Cây trồng BĐG bắt đầu được canh tác từ năm 1996 và tính đến năm 2016 đã có tổng cộng 185.1 triệu hecta tại 26 quốc gia. Thực tế về các mô hình canh tác cùng lúc cây trồng BĐG và không-BĐG tại các quốc gia này cho thấy sự tồn tại đồng thời là có thể thực hiện được.

Một số nghiên cứu đã được tiến hành nhằm kiểm tra tính khả thi của việc canh tác đồng thời cây trồng BĐG và không-BĐG trên diện rộng. Theo nghiên cứu năm 2004 tại Đức, sự chênh lệch về thời gian ra hoa của ngô BĐG và không-BĐG không làm tăng mức độ BĐG cần dán nhãn là 0.9%. Nghiên cứu được thực hiện tại 30 điểm, với khoảng cách cơ bản giữa hai ruộng là hoảng 20m, ngăn cách với nhau bởi các loại thực vật làm hàng rào thụ phấn.

Một nghiên cứu khác tại Tây Ban Nha cho thấy hiện tượng thụ phấn chéo giữa ngô Bt và ngô thông thường tại 2 khu vực được quyết định bởi sự tương đồng trong thời gian ra hoa, cũng như khoảng cách giữa các cánh đồng cho và nhận phấn hoa. Các nhà nghiên cứu đã vẽ bản đồ cánh đồng ngô Bt và ngô không-Bt, cùng với thời kỳ ra hoa tương ứng. Họ sử dụng dữ liệu này làm mẫu và phân tích dựa trên hệ thống định lượng – phản ứng tổng hợp chuỗi thời gian thực (RTQ – PCR). Kết quả cho thấy hiện tượng thụ phấn chéo có tỷ lệ cao hơn tại các khu vực biên và giảm dần về phía trung tâm cánh đồng. 9/10 cánh đồng có giá trị gen biến đổi thấp hơn 0.9%. Bởi thế, các nhà nghiên cứu khuyến cáo khoảng cách an toàn 20m giữa cánh đồng chuyển gen và cánh đồng thông thường nhằm duy trì tỷ lệ thụ phấn dưới ngưỡng 0.9%.

Các cánh đồng thử nghiệm quy mô trang trại tại thung lũng Po – Ý cho thấy ngưỡng thụ phấn chéo 0.9% theo quy định của Châu Âu là có thể đạt được khi đặt các cánh đồng cho và nhận ở vị trí thích hợp, đi cùng kế hoạch thời gian biểu ra hoa tương ứng. Các nhà khoa học đã thiết kế ra 3 loại cánh đồng thử nghiệm: (1) nguồn phấn hoa được trồng tại trung tâm cánh đồng nhận; (2) nguồn phấn hoa được phân tách với ngô nhận sử dụng một khu đất bỏ hoang và/hoặc các vùng ngô đệm với hình dạng và kích thước khác nhau; và (3) nguồn phấn hoa được trồng bên trong một cánh đồng nhận, canh tác ngô lai với chu trình sinh trưởng và thời gian ra hoa khác biệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy ngưỡng thụ phấn chéo 0.9% đạt được trong khoảng cách trung bình 10m ở loại cánh đồng thử nghiệm số 1. Gió được ghi nhận không phải là nhân tố nổi bật trong hiện tượng thụ phấn chéo. Các cây ngô đệm không phải nguồn phấn hoa là rào cản hiệu quả nhất ngăn chặn hiện tượng thụ phấn chéo.

Các nghiên cứu này cho thấy sự đồng hiện diện là khả thi nếu tuân thủ các hướng dẫn thích hợp như lên kế hoạch thời gian ra hoa hay đặt khoảng cách đệm giữa cây trồng BĐG và không-BĐG. Ví dụ, tại Anh Quốc, Sáng kiến Chuỗi cung ứng về Cây trồng nông nghiệp BĐG (SCIMAC) đã phát hành một số hướng dẫn về khoảng cách tách biệt cần thiết giữa cánh đồng BĐG và không-BĐG để đạt được ngưỡng dán nhãn 0.9%.

Trải nghiệm hiện tại

Các cánh đồng tại Bắc Mỹ chứng minh thành công của việc canh tác đồng thời cây trồng BĐG và không-BĐG, bởi đây là khu vực có tỷ lệ canh tác BĐG cao nhất thế giới.

Hình 1. Tỷ lệ phần trăm các hệ thống sản xuất cây trồng BĐG, truyền thống và hữu cơ đối với đậu nành, ngô và cải dầu tại Bắc Mỹ (2002)
Hình 1. Tỷ lệ phần trăm các hệ thống sản xuất cây trồng BĐG, truyền thống và hữu cơ đối với đậu nành, ngô và cải dầu tại Bắc Mỹ (2002)

Nguồn: USDA, ISAAA và Đại học Manitoba

Kinh nghiệm của Bắc Mỹ trong việc canh tác đồng thời cho thấy dù cây trồng BĐG chiếm tỷ lệ canh tác lớn nhất (60%), phần lớn người nông dân trồng cây hữu cơ (khoảng 96%) không bị bất cứ thiệt hại nào về kinh tế nào liên quan đến sự tồn tại của cây trồng BĐG. Số nông dân còn lại (4%) bị mất mát hoặc giảm sút về sản xuất là do các quyết định marketing gây ra bởi các cơ quan chứng nhận hoặc khách hàng, chứ không bởi không đáp ứng được các yêu cầu của quy định hữu cơ quốc gia.

Năm 2003, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thành lập Hội đồng Cố vấn về Công nghệ Sinh học và Nông nghiệp Thế kỷ 21 (AC21), nhằm đánh giá tác động dài hạn của CNSH lên hệ thống nông nghiệp và thực phẩm Hoa Kỳ. Hội đồng bao gồm các chuyên gia đến từ rất nhiều lĩnh vực, đưa ra các khuyến cáo và hoạt động nhằm tăng cường sự đồng hiện diện giữa các hệ thống sản xuất khác nhau.

Các khuyến cáo hướng tới giáo dục nông dân về phương thức canh tác tồn tại đồng thời; tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về hiện trạng của các mô hình canh tác đồng thời; cung cấp cho nông dân các phương tiện và giá trị gia tăng; từ đó thúc đẩy việc các mô hình này; tăng cường đảm bảo về chất lượng và đa dạng nguồn giống của Hoa Kỳ; đưa ra một khung hành động, theo đó hướng dẫn thành lập hệ thống bồi thường các thiệt hại kinh tế thực tế cho nông dân canh tác sản phẩm đảm bảo nhận dạng. Tới nay, các khuyến cáo này đã được áp dụng và thi hành bởi các cơ quan chính phủ có liên quan.

Hội đồng Châu Âu cũng đã phát triển hướng dẫn chung về sự tồn tại đồng thời vào năm 2003. Hướng dẫn này, cùng với các quy định hiện tại về cây trồng BĐG, được tạo nên nhằm giải quyết các lo ngại của một số quốc gia thành viên về việc giới thiệu thực phẩm và thức ăn chăn nuôi BĐG vào thị trường EU. Các quy định trước đó bao gồm các quy trình cấm và cấp phép cho cây trồng BĐG, trách nhiệm đăng ký và thông tin, biện pháp phân đoạn kỹ thuật, biện pháp bảo hiểm, trách nhiệm pháp lý và bồi thường đối với thiệt hại, chứng minh thiệt hại và các mức phạt.

Mô hình tồn tại đồng thời cây ngô hữu cơ, truyền thống và BĐG tại Châu Âu đã được ứng dụng thành công tại Tây Ban Nha. Năm 2014, Tây Ban Nha đã canh tác 131.538 héc ta cây ngô Bt, chiếm 92% diện tích ngô Bt tại EU. Bên cạnh diện tích rộng lớn trồng ngô BĐG, các cánh đồng lân cận đồng thời trồng ngô Bt hoặc ngô thường để làm thức ăn chăn nuôi. Tuy có một số báo cáo về sự pha tạp không cố ý của gen biến đổi trong ngô hữu cơ, nhưng đó là do việc triển khai chưa tốt các thực hành đồng canh tác phù hợp. Tại Anh Quốc, các cánh đồng thử nghiệm phạm vi nông trại đã canh tác thành công đồng thời cây trồng BĐG với cây trồng hữu cơ và thông thường. Báo cáo cho thấy không cây trồng nào được canh tác gần khu vực thử nghiệm bị pha tạp gen biến đổi, dẫn tới thiệt hại kinh tế hoặc mất đi nhận dạng hữu cơ được ghi nhận tại các cánh đồng lân cận.

Kết luận

Cây trồng BĐG đã được trồng từ năm 1996, và từ đó, những hệ thống sản xuất khác nhau đã đồng thời được triển khai tại các quốc gia ứng dụng cây trồng BĐG. Các nghiên cứu và trải nghiệm thực tế quy mô trang trại xác nhận việc tồn tại đồng thời với các loại cây trồng khác là khả thi. Việc canh tác đồng thời sẽ tiếp tục thành công miễn là nông dân tiếp tục linh hoạt và tôn trọng lẫn nhau trong việc lựa chọn phương thức cũng như nhu cầu sản xuất.

Sự khác biệt về tư duy giữa các nông dân có thể được loại bỏ thông qua đối thoại và theo đuổi cùng một mục tiêu đó là củng cố hệ thống canh tác cân bằng về sinh học và sinh thái. Chính phủ cũng đóng một vai trò trong việc đảm bảo an ninh lương thực, thông qua triển khai các điều luật đúng đắn nhằm hỗ trợ những hệ thống nông nghiệp này. Người tiêu dùng đóng vai trò ảnh hưởng tới loại cây trồng được phát triển và công cụ được sử dụng. Nông nghiệp đòi hỏi sự hỗ trợ và sử dụng tất cả các công cụ phù hợp nhằm nuôi sống dân số đang tăng trưởng theo một cách sinh thái.

Post Comment