Đây là sự kiện tiếp nối chuỗi các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác nông nghiệp của CropLife tại Việt Nam với mục đích cập nhật tình hình tiếp nhận các giống ngô chuyển gen (biến đổi gen) tại các địa phương; tạo thêm diễn đàn để cán bộ quản lý, nông dân từ các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích từ ứng dụng công nghệ lai tiên tiến trong sản xuất.
Thái Nguyên là một tỉnh thuộc trung du miền núi phía Đông Bắc. Diện tích sản xuất nông nghiệp hàng năm là 92,141 ha trong đó diện tích ngô là 20,144 ha. Tuy nhiên nông dân trồng ngô gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình canh tác – sâu đục thân và cỏ dại là một những yếu tố hạn chế đến năng suất cây trồng. Các biện pháp quản lý sâu đục thân và cỏ dại của người dân trong vùng còn mang tính thủ công, tốn kém và hiệu quả không cao. Vì vậy các giống ngô chuyển gen từ khi giới thiệu khi đã nhanh chóng được chấp nhận trong sản xuất do có các đặc tính nông học tương tự như giống nền nhưng đã được bổ sung hai đặc tính kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate góp phần giải quyết hai khó khăn lớn trong sản suất.
Theo báo cáo của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Thái Nguyên, năng suất thực thu của ngô biến đổi gen so với ngô lai thường trong cùng một điều kiện canh tác, khí hậu, chế độ chăm sóc, bón phân…. như nhau ngoại trừ việc quản lý cỏ dại và sâu đục thân thì năng suất của các giống ngô chuyển gen cao hơn hẳn so với giống nền. Cụ thể, năng suất trung bình của ngô biến đổi gen (giống NK4300 Bt/GT) đạt 7.582kg/ha trong khi đó giống ngô thường (NK4300) chỉ đạt 6.580 kg/ha – tức ngô biến đổi gen cho năng suất cao hơn 15% so với ngô thường. Quan trọng hơn, việc ứng dụng giống ngô chuyển gen đã giúp giảm được nhân công và chi phí làm cỏ kết hợp với năng suất tăng vì thế đã hạ giá thành sản phẩm làm hiệu quả sản xuất ngô được nâng cao rõ rệt. Lợi nhuận thu được từ việc trồng giống ngô chuyển gen là 30.1920.000 đồng/ha với giống ngô thường là 22.195.000 đồng/ha. Chênh lệch lợi nhuận giữa trồng ngô chuyển gen và ngô thường là 7.997.000 đồng/ha.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Văn Vượng – Chi Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ngô chuyển gen đã được nông dân trong tỉnh bắt đầu áp dụng từ 2016. Đến nay diện tích trồng ngô chuyển gen đã chiếm khoảng 10% tổng diện tích ngô hàng năm và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới. Việc ứng dụng giống ngô biến đổi gen sẽ góp phần thúc đẩy năng suất, sản lượng ngô trong vùng để tiến tới đáp ứng được nhu cầu ngô thương phẩm cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, góp phần giảm nhập khẩu phụ thuộc vào nước ngoài.”
Bà Trịnh Thị Bích, chủ ruộng ngô tại xóm Xuân Đán, xã Đồng Liên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trồng ngô thường, gia đình chúng tôi rất vất vả do phải phun nhiều loại thuốc sâu, thuốc cỏ nhưng ngô vẫn bị sâu, ruộng đầy cỏ. Khi biết đến và trồng ngô chuyển gen từ mấy vụ vừa rồi, tôi chỉ phải phun thuốc có một lần và không mất thời gian làm cỏ bằng tay, không phải thuê người làm. Lợi nhuận thu được cao hơn hẳn; gia đình có nhiều thời gian hơn để đi làm thêm, tăng thu nhập. Nếu được tỉnh và công ty hỗ trợ kỹ thuật, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ ruộng ngô hiện tại của gia đình sang chỉ trồng ngô chuyển gen.”
Trong giai đoạn 1995-2005, nhờ việc áp dụng các giống ngô lai mới và mở rộng diện tích, canh tác ngô Việt Nam chứng kiến bức tăng trưởng ngoạn mục khi tổng sản lượng tăng gấp 4 lần từ hơn 1 triệu tấn/ năm lên 4 hơn 4 triệu tấn/ năm. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng khoảng dưới 5% trong những năm gần đây cho thấy các giống lai truyền thống đã đạt mức tới hạn về năng suất. Trong khi đó, sản lượng ngô sản xuất trong nước dù tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội tại – ngô vẫn luôn là một trong các mặt hàng nông sản được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Sản lượng nhập khẩu ngô liên tục tăng từ 4.4 triệu tấn năm 2014 lên 8.3 triệu tấn năm 2017. Với điều kiện diện tích đất canh tác hiện tại, ứng dụng các giống ngô thế hệ mới giúp bảo toàn năng suất, nâng cao thu nhập sẽ là một giải pháp quan trọng để nông dân vẫn tiếp tục chọn ngô là cây trồng chủ lực, từ đó giúp Việt Nam giữ thế chủ động hơn khi giải quyết nhu cầu trong nước.
Báo cáo gần đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết sau gần 4 năm cấp phép, mặc dù tỷ lệ ứng dụng ngô chuyển gen tại Việt Nam chưa cao nhưng diện tích canh tác tăng mỗi năm từ 12,5 ngàn ha năm 2015 đến khoảng 28,5 ngàn ha năm 2018. Số liệu ghi nhận cũng cho thấy ngô chuyển gen có năng suất cao hơn so với các giống ngô truyền thống trong khi chi phí đầu tư đầu vào giảm đáng kể do giảm thuốc trừ sâu và công làm cỏ. Nông dân có thể thu về lợi nhuận cao hơn 28% khi trồng các giống ngô chuyển gen so với các giống ngô thường.