Ruồi đục quả là đối tượng gây hại nguy hiểm đối với nhiều loại cây ăn quả như mít, xoài, mận, ổi, măng cụt… Ruồi chích vào quả đẻ trứng, nở thành sâu non làm quả thối rụng hàng loạt.
Năm 2013, Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai triển khai mô hình phòng trừ ruồi đục quả (sử dụng 3 loại thuốc đặc trị trừ ruồi đục quả đang được khuyến cáo trên thị trường, đó là thuốc Flykil 95 EC, Vizubon D và Sofri Protein 10DD) đã bảo vệ được vụ trái cây năm 2013 (trong khi năm 2012 toàn bộ diện tích mít bị mất trắng do ruồi đục quả gây hại).
Hiện nay các loại cây ăn quả mít, xoài, mận, ổi, măng cụt… đang giai đoạn ra trái, là thời điểm ruồi vàng phát sinh, gây hại mạnh. Nhằm tránh thiệt hại, khuyến cáo bà con trồng mít, bưởi, ổi, mận, xoài, măng cụt quan tâm phòng trừ ruồi đục quả bằng các biện pháp sau:
1. Biện pháp canh tác
Vệ sinh vườn cây, thu gom tiêu hủy toàn bộ trái cây bị thối rụng. Cách làm: Đào hố, rắc vôi bột xung quanh thành hố, thu gom toàn bộ trái bị thối, rụng cho vào hố; rắc phủ một lớp vôi bột rồi lấp hố nhằm tiêu diệt trứng, sâu non và mầm bệnh không để lây lan sang các vụ sau. Phương pháp này phải được thực hiện thường xuyên.
Tỉa thưa vườn cây ở mật độ hợp lý và tỉa cành tạo tán thông thoáng cho cây nhằm hạn chế nơi trú ngụ của các loài bướm và ruồi trưởng thành (hiện nay hầu hết các vườn mít đều trồng xen, mật độ cây trong vườn quá cao, nhiều chủng loại cây là môi trường thuận lợi cho ruồi đục trái phát triển, gây hại).
Bón đầy đủ, cân đối lượng phân theo quy trình hướng dẫn giúp cho cây khỏe, sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu với sâu bệnh hại.
Bao quả bằng túi chuyên dùng cho cây ăn quả (lưu ý túi bao phải thoát được hơi nước tránh làm thối trái) và thu hoạch quả chín sớm hơn bình thường, không để quả chín quá lâu trên cây sẽ hấp dẫn ruồi đến ký sinh.
2. Biện pháp đặt bẫy, phun bả diệt ruồi đục quả
Do đặc điểm của ruồi đục quả có khả năng bay xa, con cái dùng vòi đẻ trứng vào bên trong vỏ trái, nên việc dùng thuốc hoá học có tính lưu dẫn, tiếp xúc và xông hơi để phun xịt mang lại hiệu quả không cao. Vì thế để hạn chế tác hại của ruồi đục trái cần áp dụng đồng bộ các biện pháp, khuyến cáo nông dân chú trọng khâu bao trái, đồng thời thường xuyên kiểm tra, thăm vườn, khi phát hiện ruồi vàng gây hại thì tiến hành đặt bẫy dẫn dụ con trưởng thành đến để tiêu diệt.
Dùng 3 loại thuốc: Flykil 95 EC 2ml/1 bẫy, Vizubon–D (sử dụng 1-2ml thuốc/01 bẫy) và Sofri Protein 10 DD với liều lượng 1,2 lít/ha.
Cách đặt bẫy: Có thể mua dụng cụ bẫy bán sẵn trên thị trường hoặc tự chế bằng cách dùng chai nhựa sẫm màu (không dùng chai màu trắng) khoét 2 lỗ nhỏ hình chữ nhật đối diện nhau khoảng 2 x 2,5 cm, dùng dây thép cột bông gòn đã thấm thuốc đưa vào đáy chai, đầu kia của dây thép đâm thủng đáy chai cột vào thân cây (treo ngược chai để tránh nước mưa làm trôi thuốc) sau đó đóng nắp chai lại để theo dõi mật số ruồi trưởng thành vào bẫy. Bẫy được treo trên cây, nơi đầu gió và râm mát, cách mặt đất khoảng 1,5-2 m để dẫn dụ ruồi bay vào (không treo bẫy ngoài nắng, thuốc sẽ giảm hiệu lực nhanh). Khoảng cách bẫy 25-50m thì đặt 1 cái bẫy, tương ứng đặt 20 bẫy/1ha.
Cách phun bẫy Sofri protein 10DD: Pha 1 lít thuốc với 10 lít nước sạch, phun 1 đốm thuốc từ 1-2 m2/cây, khoảng cách 10m phun 1 điểm. Liều lượng 1,2 lít/ha.
Chất Pheromone trong thuốc có mùi dẫn dụ và tiêu diệt ruồi đực, còn ruồi cái không sinh sản được. Riêng chất Protein của thuốc Sofri protein 10DD sẽ được thủy phân trong bẫy có tác dụng dẫn dụ, tiêu diệt cả ruồi đực và ruồi cái trong vùng đặt bẫy.
Thời gian đặt bẫy, phun bả: Thực hiện liên tục trong suốt vụ trái cây khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm, cho đến khi ruồi vào bẫy giảm 80-90% thì mới dừng đặt bẫy. Duy trì việc châm thuốc vào bẫy 10-15 ngày 1 lần.
Việc đặt bẫy, phun bả phòng trừ ruồi đục quả chỉ cho hiệu quả cao khi nhiều hộ nông dân cùng thực hiện, khuyến cáo bà con nông dân trồng mít, bưởi, ổi, mận, xoài, măng cụt nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, tích cực hưởng ứng, đồng loạt đặt bẫy diệt ruồi đục quả, đồng thời áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ ruồi đục quả.
Nguồn: Nghenong