Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác nông nghiệp của CropLife, chương trình được tổ chức với mục đích cung cấp thông tin, tạo diễn đàn để nông dân từ các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm canh tác ngô biến đổi gen. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các chuyên gia quốc tế đến từ Hoa Kỳ, các nước Đông Nam Á và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong nước trao đổi định hướng cần thiết để mở rộng phát triển công nghệ này theo hướng bền vững – hướng tới lợi ích quan trọng nhất dành cho người nông dân.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau gần 4 năm cấp phép, mặc dù tỷ lệ ứng dụng ngô biến đổi gen tại Việt Nam chưa cao nhưng diện tích canh tác tăng mỗi năm từ 12,5 ngàn ha năm 2015 đến khoảng 28,1 ngàn ha năm 2017. Số liệu ghi nhận cũng cho thấy ngô biến đổi gen có năng suất cao hơn so với các giống ngô truyền thống trong khi chi phí đầu tư đầu vào giảm đáng kể do giảm thuốc trừ sâu và công làm cỏ. Nông dân có thể thu về lợi nhuận cao hơn 28% khi trồng các giống ngô biến đổi gen so với các giống ngô thường.
Ông Nguyễn Văn Đắng chủ ruộng ngô tại Huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết: “Trồng ngô thường, gia đình chúng tôi rất vất vả do phải phun nhiều loại thuốc khác nhau mà sâu vẫn phá bắp, ruộng đầy cỏ. Khi biết đến và trồng ngô biến đổi gen từ năm ngoái, tôi chỉ phải phun thuốc có một lần và không mất thời gian làm cỏ bằng tay, không phải thuê người làm. Lợi nhuận thu được cao hơn hẳn mà hai vợ chồng có nhiều thời gian hơn để đi làm thêm, tăng thu nhập.”
Trong giai đoạn 1995-2005, nhờ việc áp dụng các giống ngô lai mới và mở rộng diện tích, canh tác ngô Việt Nam chứng kiến bức tăng trưởng ngoạn mục khi tổng sản lượng tăng gấp 4 lần từ hơn 1 triệu tấn/ năm lên 4 hơn 4 triệu tấn/ năm. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng khoảng dưới 5% trong những năm gần đây cho thấy các giống lai hiện tại đã đạt mức tới hạn về năng suất. Trong khi đó, sản lượng ngô sản xuất trong nước dù tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước – ngô vẫn luôn là một trong các mặt hàng nông sản được nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Lượng nhập khẩu ngô liên tục tăng từ 4.4 triệu tấn năm 2014 lên 8.3 triệu tấn năm 2017. Với điều kiện diện tích đất canh tác hiện tại, ứng dụng các giống ngô thế hệ mới giúp bảo toàn năng suất, nâng cao thu nhập sẽ là một giải pháp quan trọng để nông dân vẫn tiếp tục chọn ngô là cây trồng chủ lực, từ đó giúp Việt Nam giữ thế chủ động hơn khi giải quyết nhu cầu nội tại.
Theo giáo sư Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp: “Áp dụng cây trồng biến đổi gen là một lựa chọn cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay bởi công nghệ này không chỉ giúp tạo ra các bước tiến mới về năng suất hay sản lượng, mà quan trọng hơn đây là giải pháp giúp chúng ta phát triển ngành ngô theo hướng bền vững khi tính đến mức thu nhập cho nông dân và các tác động tích cực về môi trường, an sinh xã hội mà công nghệ này tạo ra.”
“Sau 3 năm, hơn 125 nghìn nông dân đã lựa chọn giống ngô công nghệ mới và cải thiện năng suất thu nhập canh tác lên 20—30%. Với hiệu quả rõ rệt và phản hồi tích cực từ bà con nôgn dân, số nông dân tin tưởng và lựa chọn giống ngô công nghệ mới này dự báo sẽ còn tăng trong những năm tới.” – Bà Aruna Rachakonda, Tổng Giám đốc công ty Dekalb Việt Nam (Monsanto) cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, cô Megan Francic – Tùy viên Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ sinh học có khả năng làm tăng năng suất cây trồng, nâng cao thu nhập của nông dân, đảm bảo nguồn cung lương thực cho địa phương, quốc gia, và toàn cầu. Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, và là một quốc gia tiên phong trong khu vực. Ruộng mẫu trồng bắp biến đổi gen mà quý vị tham quan hôm nay là một ví dụ điển hình.”
Theo thông tin từ tổ chức CropLife Việt Nam, tính đến năm 2017, có 24 quốc gia cho phép canh tác cây trồng biến đổi gen với tổng diện tích canh tác là 189.8 triệu ha (tăng 3% so với năm 2016), lợi nhuận tăng thêm trên mỗi ha là 102 USD (tương đương với khoảng 2,3 triệu đồng). Ngoài ra, có 43 quốc gia khác đang sử dụng cây trồng biến đổi gen làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm.