Đến năm 2016, diện tích mì (sắn) trên địa bàn Bình Định đã tăng đến gần 13.600ha, chủ yếu được trồng giống sắn cũ đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh.
Để phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng SX bền vững, có hiệu quả, tỉnh đã xây dựng mô hình thâm canh một số giống mì mới, năng suất cao tại cánh đồng Cây Da, thôn Cự Lễ, xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn).
Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, hiện diện tích mì trên địa bàn huyện đạt 1.920ha. Trong đó, vụ ĐX trồng 1.760ha, vụ HT 160ha; năng suất bình quân 22 tấn/ha; sản lượng bình quân đạt 42.240 tấn/năm; chủ yếu là giống KM94 được đưa vào trồng từ năm 2002.
Phương thức trồng của nông dân ở đây chủ yếu là quảng canh, một số diện tích xen canh mì – mè (vụ HT), mì – lạc (vụ HT), mì – ngô (vụ HT); luân canh: lạc (ĐX) – mì 6 tháng, lúa (ĐX sớm) – mì 6 tháng…
“Hiện giống mì KM 94 đã thoái hóa, nhiễm nhiều loại sâu bệnh hại như nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn, bệnh thối củ, bệnh chổi rồng… năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh ngày càng giảm. Vì vậy, việc chọn và bố trí giống mì mới trên đất gò đồi, chân cao phù hợp với điều kiện địa phương để thay các giống cũ thoái hóa, nhiễm sâu bệnh; kết hợp đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân là rất cần thiết”, bà Trương Thị Thúy Ức, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn cho biết.
Từ thực tế trên, mô hình trồng thâm canh 2 giống mì mới là KM 228 và KM 440B được xây dựng tại cánh đồng Cây Da trong vụ HT sớm năm 2016. Mục tiêu của mô hình nhằm đưa giống mì mới có năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh vào SX tại địa phương, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên vùng đất đồi gò, chân cao. Rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình, ổn định diện tích trồng mì theo vùng quy hoạch cây trồng trong điều kiện thiếu nước, khô hạn.
Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, giống mì KM 228 được tạo từ dòng đột biến ưu tú chọn lọc của 4.000 hạt giống KM 94 đã qua chiếu xạ bằng nguồn Coban 60. Vì vậy KM 228 có nguồn di truyền gần gũi với KM 94. Giống KM 228 nằm trong bộ giống khoai mì có triển vọng được khảo nghiệm ở giai đoạn 2011 – 2013 của chương trình sắn Việt Nam và được du nhập về Quảng Ngãi từ Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Hưng Lộc – Đồng Nai (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam) năm 2011.
Những nông dân tham gia mô hình cho biết, giống mì KM 228 có chiều cao 185cm, dạng thân thẳng, vỏ thân xanh trắng, không hoặc ít phân cành; màu sắc lá xanh đậm, màu sắc lá ngọn xanh nhạt khác với giống KM 94; màu vỏ củ ngoài màu vàng nhạt, màu vỏ củ trong láng, trắng; hình dạng củ dài đều, kích thước củ to hơn so với giống KM 94.
Thời gian sinh trưởng, phát triển giống mì KM 228 khoảng 7 – 10 tháng, ngắn hơn KM 94; tỷ lệ nảy mầm từ hom giống đạt trên 90%; năm nay thời tiết khô hạn, thiếu nước vào giai đoạn xuống hom giống (cuối tháng 2/2016) nhưng tỷ lệ mọc vẫn đạt 80%. Sau khi trồng 2 tháng, mì sinh trưởng mạnh; khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, khả năng chịu hạn khá. Bình quân khối lượng củ giống KM228 đạt 3,4kg/cây, tăng 1,3kg/cây so giống KM94.
Theo tính toán của nông dân, tổng chi phí đầu tư trồng giống KM 228 là hơn 47.600.000đ, cao hơn chi phí trồng giống KM 94 là gần 4.600.000đ, chủ yếu do mua giống mới. Nhưng năng suất lát khô mì KM 228 đạt 19.900kg/ha, tăng 5.300kg/ha so mì KM 94. Tổng thu mì KM 228 đạt 89.550.000đ/ha, tăng 23.850.000đ/ha so với mì KM 94; lợi nhuận ruộng mì KM 228 đạt 41.907.000đ/ha, tăng 19.287.000đ/ha so ruộng mì KM 94.
“Để đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền vững, đảm bảo nhu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì và thu nhập cho bà con nông dân, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát lại quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu mì, đảm bảo yêu cầu về năng suất và hiệu quả SX. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh, trồng mì rải vụ, trồng mì xen với các loại cây trồng khác, nhằm tăng năng suất và hiệu quả SX”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
AN NHÂN
Nguồn: Nghenong