Hiện nay, nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSC) nước lũ không về, thiếu nước cho sản xuất, nhất là nước phục vụ gieo mạ cho vụ đông xuân.
Khắc phục tình trạng trên, các trang trại, công ty sản xuất nông nghiệp và nhiều hộ nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…đã triển khai mô hình gieo mạ thảm, vừa tiết kiệm được nước vừa giảm được tỷ lệ hao hụt giống, đem lại hiệu quả cao. Làm theo cách này, cứ 1 m2 gieo mạ thảm có thể cấy 1.000 m2 ruộng lúa. Cây mạ lại cứng, dễ gieo cấy và năng suất cấy thủ công cũng tăng lên gấp nhiều lần. Ưu điểm nữa của gieo mạ thảm là dễ chuyển đổi từ cấy thủ công truyền thống sang cấy công nhiệp vì mạ thảm và mạ gieo đều phù hợp với máy cấy công nghiệp. Gieo mạ thảm còn giúp chủ động phòng chống được các mầm bệnh từ mạ non vàcó thể gieo mạ trong mọi thời tiết để ứng phó vời biến đổi khí hậu ở ĐBSCL hiện nay.
Diện tích gieo mạ thảm không cần quá lớn, có thể tận dụng sân phơi, sân vườn, bờ liếp…san bằng phẳng, trải lớp màn nhựa cao su ở dưới rồi trải đất trộn với phân tro trấu, phân sơ dừa…dày từ 0,1 đến 0, 2 mét, sau đó gieo giống lúa lên theo tỷ lệ hạt giống cần thiết. Khi hạt nẩy mầm, lên mạ non, bộ rễ mạ đan vào nhau như tấm thảm. Đến tuổi gieo cấy, cắt mạ ra thành mảnh và cuốn tròn lại đem ra đồng rải thành hàng trên ruộng định gieo cấy,rất thuận tiện cho người cấy.
Ở một số địa phương chưa có điều kiện cấy bằng máy công nghiệp đối với mạ thảm, do mặt phẳng ruộng chưa đạt yêu cầu, đã thánh lập đội cấy thủ công, với bình quân mỗi đội có hàng trăm nông dân tham gia. Đặc biệt các đội thợ cấy ở An Giang, Đồng Tháp…còn được các chuyên gia nông nghiệp Nhật bản hướng dẫn kỹ thuật cấy tại các cánh đổng mẫu lớn hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong sản xuất lúa gạo sạch, hữu cơ .
Chuyển mạ thảm ra đồng
Trần Quốc Thái
Nguồn: Nghenong