Việc canh tác lúa theo truyền thống trước đây bà con nông dân là (cấy mạ già, cấy dầy, để nước sâu…) đã cản trở và làm giảm sức đẻ nhánh tiềm năng của cây lúa.
Mặt khác, bà con nông dân thường bón phân không cân đối, chủ yếu sử dụng đạm, không hoặc ít sử dụng phân Kali điều này làm cho cây sinh trưởng không cân đối, lá mỏng, non dễ đổ gãy đây cũng là điều kiện cho sâu bệnh tấn công phá hại. Hệ luỵ của những việc trên còn làm cho đất canh tác ngày càng xấu, năng xuất cây trồng giảm, chi phí sản xuất ngày càng cao, sinh thái môi trường bị xâm hại.
Video hướng dẫn thâm canh lúa theo phương pháp SRI để đạt năng suất cao
Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là một hệ thống canh tác dựa trên các nguyên tác cơ bản là sử dụng mạ non để tận dụng được những dảnh hữu hiệu ngay từ ban đầu. Cấy thưa để phát huy khả năng quan hợp, tạo sự thông thoáng trong hệ sinh thái đồng lúa hạn chế sâu bệnh hại, tạo điều kiện cho các dảnh lúa để có khả năng phát triển thành dảnh hữu hiệu. Quản lý nước là biện pháp dựa vào đặc tính của cây lúa khi đẻ nhanh cần rút nước để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhiều nhánh. Canh tác lúa cải tiến SRI đã đem lại hiệu quả tốt, lượng thóc giống giảm 1/3, thuốc BVTV giảm từ 1-2 lần phun/vụ cây lúa phát triển cân đối nhiều bông chắc hạt, năng xuất tăng từ 10- 15 %.
Để thực hiện tốt việc canh tác lúa theo SRI bà con nông dân cần chú ý một số điểm sau:
- Làm mạ:
– Lượng giống từ 15-17kg/ ha (0,5 – 0,7 kg/sào)
– Đất làm mạ vụ xuân chọ nơi khuất gió, dễ điều tiết nước, vụ mùa chọn chân vàn hoặc vàn cao để làm mạ.
– Bón lót phân lân 20 kg/sào, phân chuồng 300 kg/sào, bón khi bừa lần cuối trước khi lên luống gieo mạ. Luống rộng 1 – 1,2 m, rãnh rộng 20 – 30 cm, sâu 10 – 15 cm mặt luống phẳng bùn mịn, không đọng nước.
– Kỹ thuật gieo (mạ được ngâm ủ bình thường, khi nứt nanh có rễ bằng 1/2 hạt thóc thì đem gieo), lượng gieo 1kg thóc giống /10 m2 .
– Kỹ thuật chăm sóc mạ:
+ Đối với mạ xuân: chú ý giữ ấm cho mạ bằng cách giữ mức nước 2/3 mặt rãnh và thường xuyên thay nước trong rãnh; bón tro bếp, che phủ nilon cho mạ nhất là trong những ngày rét đậm.
+ Thường xuyên kiểm tra duy trì độ ẩm cho mạ, khi thực hiện các biện pháp chăm sóc mạ như: Bón phân, phòng trừ sâu bệnh
– khi mạ được 2,5 – 3 lá cấy, dùng sẻng xúc nhẹ mạ, tránh làm tổn thương mạ, phải cấy ngay khi mạ được xúc lên.
– Có thể làm mạ trên nền đất cứng.
* Kỹ thuật làm mạ trên nền đất cứng:
– Gieo mạ trên nền đất cứng có che phủ nilon: Mạ được gieo trên lớp bùn ướt phủ trên nền đất cứng tráng nắng, chú ý không gieo trên nền bê tông hay sân vôi, sân gạch vì các vật liệu này không giữ được nhiệt, được ẩm. Trải một lớp bùn ướt dày khoảng 2 cm lấy nơi ao hồ thoáng nắng, không lấy nơi ao tù (loại bùn đen có mùi hôi tanh chứa nhiều chất độc làm thối mầm thóc). Gieo với mật độ dày hơn mạ trên dược, lúa thuần 1kg giống/2 – 3 m2. Lúa lai 1kg giống/4 – 6 m2. Tưới ẩm thường xuyên 5 ngày đầu, mỗi ngày tưới 01 lần, những ngày tiếp theo 2 – 3 ngày tưới/1 lần. Khi mạ được 2,5 – 3 lá là đủ để đem đi cấy.
- Làm đất ruộng cấy: Cày bừa kỹ, nhuyễn bùn, sạch cỏ, kéo phẳng, luống rộng 2m, rãnh 25 – 30cm, sâu 10 – 15cm, luống được lên trước khi cấy 1 ngày để lắng bùn, chú ý lượng nước để sấp sấp mặt luống 0,5 -1 cm
- Kỹ thuật cấy:
– Tuổi mạ khi cấy từ 2,5 – 3 lá (Vụ mùa khoảng sau gieo 7 – 10 ngày, vụ xuân khoảng 10 – 15 ngày).
– Mật độ cấy với lúa lai, ruộng đất tốt cấy 30 khóm/ m2 ; lúa thuần, ruộng đất xấu cấy 35 khóm/ m2 cấy 1 dảnh/ khóm. Lưu ý: (dùng xẻng xúc nhẹ nhàng mạ, vận chuyển tránh dập nát, xúc đến đâu cấy ngay đến đó không nên để mạ qua đêm)
- Bón phân:
+ Bón lót: Phân chuồng hoai mục lượng từ 250 – 300 kg/sào, vôi 15 – 20kg/sào, NPK 15 – 17 kg/sào hoặc Phân khoáng hữu cơ 3,5 kg/sào; phân đạm từ 1,5 – 2 kg/sào.
+ Bón thúc : Bón rất sớm (vụ mùa sau cấy 6 – 7 ngày; vụ xuân 10-12 ngày): Lượng bón: phải bón thúc lượng đạm với lúa lai 4 -5 kg/sào; lúa thuần 2 – 3kg/sào và Kali 2-3kg/sào kết hợp làm cỏ sục bùn để phá váng, vùn phân xuống sâu.
+ Bón đón đòng: Nên bón đón đòng sớm, thời điểm sau cấy với vụ mùa khoảng 40 ngày là thích hợp, khi 10% dảnh cái đầu lá có hiện tượng thắt eo, nên bón lượng Kali từ 2,5 – 3,5 kg/sào, kết hợp bón phân đạm nên (so màu lá lúa) từ 2 – 2,5 kg/sào
5 Chăm sóc
– Điều tiết nước: Từ khi cấy đến sau đến sau làm cỏ lần 1 khoảng 5 – 7 ngày thì tháo nước cạn chỉ cần giữ cho ruộng đủ ẩm đến khi ruộng khô nẻ chân chim thì cho nước vào 3 – 4 ngày, cho nước đủ ẩm rồi lại tiếp tục rút nước. Ngừng điều tiết nước khi giai đoạn lúa đứng cái làm đòng đến đỏ đuôi thì phải giữ nước từ 3 – 4 cm . Trước khi thu hoạch 15 ngày lại tháo cạn nước để tiện thu hoạch.
– Làm cỏ, sục bùn:
+ Làm cỏ lần 1: Sau khi cấy 6 – 7 ngày làm cỏ kết hợp với bón phân thúc lần 1
+ Làm cỏ lần 2: Sau làm cỏ lần 1 khoảng 10-15 ngày.
+ Làm cỏ lần 3: Sau làm cỏ lần 2 khoảng 20-25 ngày.
– Phòng trừ sâu bệnh: Phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc IPM tức là chỉ phun thuốc khi sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng
Nguồn: Nghenong