Cây trồng lương thực

Lúa TBR 225 ‘lấn sân’

Qua nhiều vụ trình diễn, vụ mùa 2016 huyện Nam Sách (Hải Dương) đã mở rộng dần diện tích giống lúa TBR 225 bởi đáp ứng được các nhu cầu của nông dân sản xuất lúa.

Lúa TBR 225 'lấn sân'
Hội thảo đầu bờ giống lúa TBR 225 tại Nam Sách, Hải Dương

Nhu cầu thâm canh giống lúa có năng suất cao, cơm ngon, TGST ngắn, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, ít mẫn cảm với bất lợi thời tiết, ưa thâm canh… đã trở thành bức thiết đối với nông dân sản xuất lúa hiện nay.

Qua nhiều vụ trình diễn, vụ mùa 2016 huyện Nam Sách (Hải Dương) đã mở rộng dần diện tích giống lúa TBR 225 bởi đáp ứng được nhu cầu trên.

TBR 225 là giống lúa thuần bản quyền của Cty CP TCty Giống cây trồng Thái Bình, được công nhận là giống quốc gia năm 2015. Giống có các đặc tính quý như TGST ngắn (vụ mùa 100 – 105 ngày), đẻ nhánh khỏe, lá đứng, cứng cây, trổ bông tập trung, bông to dài, thích ứng rộng, khả năng chống chịu với bất lợi thời tiết và sâu bệnh khá tốt. Giống có tiềm năng năng suất khá cao(70 – 75 tạ/ha), cơm dẻo, thơm.

Vụ mùa 2016 huyện Nam Sách phối hợp với Cty bố trí một số mô hình trình diễn ở các xã với tổng diện tích 8ha trên các chân vàn và vàn cao ở trà mùa trung. Trong quá trình thực hiện huyện đã quy vùng, tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật từ các khâu ngâm ủ, gieo cấy và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các hộ nông dân tham gia, áp dụng các biện pháp thâm canh phù hợp…

Giống lúa TBR 225 được thâm canh theo phương thức cấy mạ nền cứng hoặc gieo thẳng, bón phân và phòng trừ sâu bệnh theo quy trình canh tác của địa phương. Tiến hành gieo cấy tập trung từ 10 – 15/7.

KS Lê Thanh Nghiệp, Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, TBR 225 đang “lấn sân” các giống lúa thuần khác, đặc biệt ở vụ xuân giống này đã thay thế BC15 do kháng bệnh đạo ôn tốt hơn. Phòng sẽ tham mưu cho Sở đưa TBR 225 vào cơ cấu các giống lúa của tỉnh để nông dân tiếp cận dễ dàng hơn…

Tham quan tại các ruộng trình diễn cho thấy, giống lúa TBR 225 nổi trội hơn hẳn các giống khác cùng trà đó là: Nhiều bông/khóm, bông to, dài vì nhiều hạt/bông, lúa cao trung bình, thân lá cứng chắc, lá đòng vẫn còn xanh khi lúa đỏ đuôi. Hầu hết các ruộng đều không thấy bị bệnh khô đầu lá hay cháy lá vi khuẩn (mặc dù vụ mùa 2016 có rất nhiều trận mưa bão). Lúa chỉ bị khô vằn nhẹ, không thấy nhiễm rầy và các loài sâu hại khác…

Giống lúa TBR 225 đạt 6 – 7 dảnh hữu hiệu/khóm, đẻ nhánh sớm, tập trung, sinh trưởng phát triển khỏe, bông to, dài, bằng cổ, trỗ thoát nhanh, đóng mẩy tốt, bình quân 220 bông/m2, 280 hạt/bông, 265 hạt chắc/bông. Dự kiến năng suất đạt 70 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng (Khang dân 18) từ 18 – 20% cao hơn Bắc thơm số 7 từ 20 – 25%.

Nông dân tham gia mô hình cho biết có nhiều hộ mua thóc TBR 225 về cấy ở các ruộng ngoài mô hình vì vụ xuân 2016 một số hộ cấy giống lúa này cho năng suất rất cao, ít bị sâu bệnh hại.

Ông Hoàng Công Cách, GĐ HTXNN xã Đồng Lạc cho biết, nông dân trong xã đã tiếp cận TBR 225 được 2 năm. Bản thân ông đã nhiều năm làm Chủ nhiệm HTX đã rất tích cực xúc tiến với các Cty giống đưa nhiều giống lúa mới về địa phương nhưng để trụ lại với nông dân được lâu như giống TBR 225 này là rất ít.

Ông Vương Xuân Hiệu, GĐ HTXNN xã Minh Tân, một trong số thành viên thực hiện mô hình này cho biết thêm, năm 2013 xã cũng đã tiếp nhận và trình diễn giống lúa này. Song thời điểm đó lúa có chất lượng chưa cao nên nông dân không mặn mà gieo cấy. Những vụ gần đây khi Cty đã khắc phục được những nhược điểm trên của giống (cho cơm dẻo, thơm) thì nông dân xã ông hưởng ứng rất nhiệt tình. Tuy nhiên ông thấy lá đòng vẫn còn to so với nhiều giống lúa chất lượng khác. Đề nghị Cty sớm khắc phục đặc điểm này.

TRẦN THỊ LIÊN

Nguồn: Nghenong