Theo ước tính khoảng 28 cây mít không hạt/1.000m2 sau khi trừ chi phí SX, ông Trần Minh Mẫn (64 tuổi, ngụ KV2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đạt lợi nhuận trên 65 triệu đồng/năm.
Năm 2007, trong lúc tìm loại cây trồng thay thế vườn cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh, ông Mẫn có dịp tham dự hội thảo vườn cây ăn quả ở Tiền Giang. Lúc về ông có ghé thăm người bạn học cũ là một Việt kiều, cũng là một người rất yêu thích các loại giống cây trồng. Biết ông cũng là người có đam mê với các loại cây, trái lạ, nên đã giới thiệu ông một số giống cây được đem từ nước ngoài về, trong đó có cây mít giống Myanmar.
Ông được người bạn cho mang về nhà ăn thử ngon, vừa lạ, lại có mùi thơm nhẹ, cắt ra nó không có mủ, ruột thì đặc, cơm dày, xơ ngọt, múi mềm ráo. “Lúc đó tôi nghĩ giống mít này có thể nhân giống ra trồng đại trà, nên gọi điện cho bạn và đánh xe lên chiết được 100 cây”, ông kể.
Ông trồng xen giống mít không hạt với sầu riêng trong vườn nhà. Bỏ công chăm sóc cẩn thận đến năm 2010 cây mít cho trái chiến, trồng 100 cây thì cho trái chiến được 70 cây. Thấy được tiềm năng và tin là cây mít này làm nên chuyện, ông mạnh dạn đốn bỏ sầu riêng để mở rộng trồng mít.
Diện tích trồng mít hiện tại gần 5 công, mật độ trồng khoảng 28 cây/1.000m2 . Bình quân 1 trái mít không hạt nặng từ 5 – 20kg, bán giá cho thương lái vào tận vườn thu mua là 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí một năm thu lợi nhuận trên 65 triệu đồng/công. Ngoài ra ông còn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ bán cây giống cho nông dân.
Ông Mẫn cho biết, bốn năm trước do giống này mới, lạ thị trường chưa biết tới, nên ông chủ động cắt mít không hạt đem tặng cho các cơ quan nhà nước ở TP Cần Thơ như Sở NN-PTNT, Sở KH-CN, Sở Công thương… Nhờ tiếp thị chủ động đã giúp sản phẩm mít không hạt của ông được nhiều biết đến rộng rãi hơn.
Được sự quan tâm của các nhà khoa học và báo đài, ông đăng ký tham gia Hội thi trái ngon – an toàn Nam bộ lần II năm 2010 diễn ra tại TP.HCM và đạt được một lúc 3 giải: Giải lạ, giải hiếm và giải mít không hạt. Do có nhiều người ở nhiều nơi khác có tham dự, thấy trái mít này vừa lạ vừa ngon, nên mấy ngày sau người ở ngoài miền Trung, miền Đông ồ ạt hỏi mua cây giống.
Ông Mẫn cho biết thêm, hiện tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu xem trên mạng thấy mít của tôi vừa lạ, vừa ngon nên tư động tìm xuống tận nơi để đặt hàng.
Theo đánh giá của ngành khuyến nông Cần Thơ, giống mít không hạt là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh, cho thu nhập rất cao, ít phải sử dụng phân thuốc. Nhưng muốn phát triển lâu dài với cây mít, và bảo đảm nguồn giống chất lượng, phải áp dụng các biện pháp KH-KT trong khâu chăm sóc, thu hoạch để làm tăng chất lượng sản phẩm, bán có giá cao.
DUY TÂN
Nguồn: Nghenong