Cây trồng ăn trái

7 nguyên nhân gây nên hiện tượng ‘cam ngơ’

Đến Quỳ Hợp (Nghệ An), nếu hỏi “cam ngơ” từ nông dân đến cơ quan địa phương đều lặng người một lúc mới có thể nói chuyện được với bạn.

Lưu bản nháp tự động

Cam Xã Đoài lòng vàng rụng quả hàng loạt tại Minh Hợp, Quỳ Hợp

Đây là nỗi ám ảnh không chỉ của người dân trồng cam mà còn là sự sống còn của thương hiệu Cam Vinh.

Qua tìm hiểu, kiểm tra các mẫu quả, chúng tôi tổng hợp gồm 7 nguyên nhân gây nên hiện tượng “cam ngơ” này.

– Việc sử dụng các thuốc thuộc nhóm Triazole liều cao ở giai đoạn quả non, làm ức chế quả trình tổng hợp Auxin nội sinh từ hạt, một phytohocmon giúp quả lớn lên.

– Tập quán ở đây, nông dân phối trộn quá nhiều loại thuốc BVTV, nếu điều này xẩy ra giai đoạn từ đậu đến hết giai đoạn quả lớn cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của quả.

– Các cây cam để nhiều quả, bộ lá kém phát triển, thiếu dinh dưỡng, thông thường để nuôi một quả cam cần khoảng 60 lá, nếu để quả quá nhiều cũng gây nên quả nhỏ và rụng sinh lý theo cơ chế tự đào thải.

– Các cây có bộ rễ kém phát triển, thối, bong tróc hư hại và các vườn cam thiết kế hố trồng bằng phẳng hoặc lõm với mặt ruộng rụng nhiều hơn các vườn trồng nổi. Ngoài ra các ruộng có pH <5 và pH >6,5 cũng rụng quả nhiều hơn.

– Các vườn cam bị bệnh Greening (còn gọi vàng lá gân xanh hoặc Hoàng Long Bình), quả phát triển kém và rụng.

– Do mưa nhiều và nắng đột ngột khiến cây cam bị sốc nước cũng gây nên rụng quả. Mưa và ẩm độ cao là điều kiện để bệnh hại phát triển, đặc biệt giống cam Xã Đoài (lòng vàng, lòng trắng).

– Nguyên nhân quan trọng nhất đó là do nấm bệnh và vi khuẩn tấn công vào cuống quả. Trên 95% cam Xã Đoài lòng vàng ở Quỳ Hợp rụng quả do khô đầu cuống quả, hàng năm đây cũng là triệu chứng gây rụng chủ yếu trên các giống cam khác nhau.

Lưu bản nháp tự động

Hiện tượng khô đầu cuống quả trên cam Xã Đoài tại xã Minh Hợp, Quỳ Hợp

Tác nhân gây ra hiện tượng này chủ yếu do các loài nấm phát sinh bằng bào tử như các loài nấm thuộc chi Phytophthora (bệnh sương mai), chi Colletotrichum (bệnh thán thư) và chi Phoma (bệnh khô cành). Ngoài ra còn có vi khuẩn Xanthomonas campestris (bệnh loét).

Trong các triệu chứng để lại nhiều nhất trên các vườn cam tại Quỳ Hợp chủ yếu do nấm Phytophthora citrophthora và nấm Phoma tracheiphila, đây là hai loài phát sinh bằng động bào tử (bào tử có roi bơi, di chuyển được trong nước) nên rất khó kiểm soát, đặc biệt vào mùa mưa và độ ẩm không khí cao.

Để phòng trừ hiệu quả hiện tượng “cam ngơ” tại Quỳ Hợp, chúng ta cần thực hiện tốt các công tác sau:

– Sử dụng các biện pháp phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc cán bộ kỹ thuật, hạn chế tối đa việc phối trộn nhiều loại thuốc BVTV trong một lần phun.

Lưu bản nháp tự động

Bệnh khô cành gây hại nặng trên các vườn cam khai thác tại xã Minh Hợp

– Chăm bón hợp lý kích thích sự phát triển của các đợt lộc để đảm bảo bộ lá nuôi quả và cho cành quả các năm tiếp theo. Đặc biệt là 3 đợt lộc quan trọng, lộc xuân (tháng 2 – 3) là lộc cho hoa và quả, lộc hè (tháng 5 – 7) và lộc thu (tháng 8 – 9) là lộc cho cành quả năm sau.

– Thiết kế, kiến tạo lại vườn trồng, đảm bảo thoát nước tốt, tránh hỏng rễ, nên tạo các rãnh giữa các cây trồng phẳng hoặc lõm so với mặt ruộng, kể cả đất đồi dốc, vì bộ rễ cây có múi ưa ẩm nhưng lại không chịu được úng, bộ rễ ăn nổi, chỉ trong khoảng tầng đất 30 – 50cm.

– Cải thiện pH đất, cây có múi thích hợp pH 5,5 – 6,5 nếu pH >7 thì cây không hấp thụ tốt dinh dưỡng, gây ra còi cọc. Nếu có thể trang bị máy đo pH để kiểm tra thường xuyên, hạn chế bón vôi cho cam, khi pH >7 có thể hạ pH bằng lưu huỳnh, nên sử dụng phân bón chứa lưu huỳnh.

Lưu bản nháp tự động

Triệu chứng chảy gôm (vòng đỏ) do nấm Phytophthora citrophthora để lại trên cuống quả đã rụng tại xóm Minh Kính, Minh Hợp, Quỳ Hợp

– Không dùng chung các dụng cụ cắt tỉa, đào xới, tránh sự lây nhiễm bệnh Greening, khô đầu cành…, trồng xen ổi với cam, để xua đuổi rầy chổng cánh truyền bệnh Greening, phòng trừ khi mật độ rầy cao bằng các thuốc trừ rầy như Actara 25WG, Chess 50WG…

– Trong mùa mưa, nếu mưa kéo dài, sau đó nắng đột ngột thì dễ gây sốc nước, rụng và nứt quả. Vì vậy sau khi ngừng mưa cần tiếp tục tưới nước theo mức độ giảm dần, tủ gốc, để hạ ẩm độ từ từ tránh việc hạ đột ngột. Không sử bón phân vô cơ dễ tiêu giai đoạn này.

– Phòng trừ các tác nhân gây bệnh nói trên đúng qui trình kỹ thuật. Bệnh khô đầu cuống quả gần như không thể trị mà chỉ có thể phòng.

Tỉa cành tạo tán thông thoáng để giảm ẩm độ trong tán cây, cắt bỏ các cành bệnh, cành tăm, cành sát mặt đất, quả bệnh, cuống quả bệnh đã rụng, cuống các quả sau thu hoạch, thu dọn tàn dư cành, lá, quả bệnh rụng dưới gốc đưa đi tiêu hủy.

+ Để giảm thiểu tích lũy nguồn bệnh, ngoài tỉa cành, bộ lá cần đảm bảo sạch bệnh. Giai đoạn sau thu hoạch, tỉa cành tạo tán có thể xử lý Ridomil Gold 68WG để phòng các nấm bệnh xâm nhiễm qua vết thương cơ giới. Giai đoạn lộc xuân, ra hoa xử lý Amistar 250SC để phòng trừ các bệnh như sẹo ghẻ trên lá, sương mai, thán thư gây hỏng hoa, thối rụng quả non.

+ Bệnh thối cuống quả không thể trị, kể cả thuốc BVTV có thể cô lập được vết bệnh, thì quả vẫn rụng, vì vậy chỉ có thể phòng. Trong điều kiện trời mưa, sáng sớm có sương mù, ẩm độ không khí bão hòa, trời âm u kéo dài, có thể phun phòng bằng nhóm Strobilurin (Amistar 250SC, Amistar Top 325SC…), nhóm CAA (Revus opti 440SC…), nhóm Triazole (Score 250EC, Amistar Top 325SC…).

TH.S PHAN ANH THẾ

Nguồn: Nghenong