Dân số thế giới tăng cao đang gây áp lực dần lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên nước. Liên Hiệp Quốc cho biết cứ mỗi 6 người lại có 1 người đang trải qua căng thẳng về nước, có nghĩa là họ không được tiếp cận với nước sạch.
Ở một số khu vực, sông không đổ được ra biển, hồ bị cạn khô và tầng chứa nước ngầm đang bị cạn kiệt dần. Ngoài ra, biến đổi khí hậu với nhiệt độ rất cao và các điều kiện thời tiết phức tạp như hạn hán đang ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác nguồn nước và đất.
Hiện tại, ngành nông nghiệp đang khai thác khoảng 70% lượng nước sẵn có và việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm nước rất quan trọng.
Tin tốt là khoa học cây trồng trang bị cho nông dân các công cụ để thực hiện tiết kiệm nước. Thực tế, rất nhiều tiến bộ trong sản xuất lương thực gần đây đã góp phần tạo ra các đột phá, giống cây chịu được bệnh tật, tăng lượng tiêu thụ các sản phẩm bảo vệ thực vật và mở rộng diện tích đất canh tác. Công nghệ nông nghệ tương lai sẽ giúp nông dân sản xuất nhiều lương thực hơn nữa một cách hiệu quả và bền vững.
Việc phát triển cây trồng chịu hạn và cây trồng sử dụng nước hiệu quả, cải tiến hệ thống tưới tiêu và các sản phẩm bảo vệ thực vật mới mang lại đầy hứa hẹn. Ví dụ, theo báo cáo năm 2014 của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Lương Thực Quốc Tế, cây trồng chịu khô hạn đã góp phần tăng sản lượng thêm 15-20% tại các khu vực hạn hán nặng như Mỹ, Trung Quốc, Đông Phi. Báo cáo IFPRI cũng cho biết khi kết hợp canh tác không cày xới với các biện pháp tưới tiêu, có thể tăng sản lượng ngô thêm 67% vào năm 2050.
Cây sắn, có khả năng chịu hạn và đất cằn đang được chương trình Các đối tác sắn toàn cầu nghiên cứu để phát triển các giống cây mới có thể chịu được hạn hán kéo dài.
Cây lúa nước, loại cây tiêu thụ nhiều nước hơn hẳn các cây lương thực khác, cần tới 39% lượng nước toàn cầu để tưới tiêu (cần tới 2500 lít nước để sản xuất ra 1 kg gạo) cũng là một mục tiêu khác trong sử dụng nước hiệu quả. Việc sử dụng các giống lúa mới như các giống lúa ngắn hạn và giống lai góp phần làm giảm lượng nước cần thiết. Ví dụ, tại Trung Quốc, giống lúa mới sử dụng 1750 lít nước so với 3500 lít nước tại Ấn Độ. Biến đổi gen có khả năng cải thiện việc sử dụng nước hiệu quả của lúa nước lên tới 30-40%.