Cách trồng cây hoa hòe cho hiệu quả kinh tế cao
Mặc dù đã được trồng ở nhiều nơi nhưng nhiều bà con nông dân vẫn chưa nắm được kỹ thuật trồng cây hòe đầy đủ để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Loài cây mang lại giá trị kinh tế cao
Hòe là loài thực vật thân gỗ, có kỹ thuật trồng cây khá đơn giản. Độ cao của cây có thể lên đến 15 mét, thân thẳng, chỏm lá tròn, cành cong queo, lá kép, cụm hoa hình chùy ở đầu cành, tràng hoa hình bướm màu trắng ngà. Ðài hoa hình chuông, màu vàng xám. Quả hòe loại đậu, không mở, dày và thắt nhỏ lại ở giữa các hạt. Nụ hoa hình trứng, có cuống nhỏ, ngắn, một đầu hơi nhọn, dài 3 – 6mm, rộng 1 – 2mm màu vàng xám.
Hoa chưa nở dài từ 4 – 10mm, đường kính 2 – 4 mm. Cánh hoa chưa nở màu vàng, mùi thơm, vị hơi đắng. Hòe trồng cây lấy nụ hoa và quả làm thuốc chữa được nhiều bệnh, song chủ yếu dược liệu dùng nụ hoa. Nụ hoa hoè tính hơi lạnh, có nhiều công dụng như hạ mỡ máu, chống viêm, chống co thắt và chống loét, chống tiêu chảy, cao huyết áp, đau mắt; tác dụng tốt với hệ tim mạch, chữa các chứng chảy máu như chảy máu cam, ho ra huyết, băng huyết, đại tiểu tiện ra máu…
Cây hòe phân bố ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có nhiều ở làng quê Thái Bình, tập trung nhiều nhất ở các huyện Thái Thụy, Vũ Thư. Tuy nhiên, do ưu điểm dễ trồng, hiếm khi nhiễm sâu bệnh và mất mùa nên có nhiều người Thái Bình khi đi kinh tế mới ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn đem hòe vào trồng, làm bóng mát cho cây cà phê cũng phát triển rất tốt, cho thu nhập cao.
Nhiều nhà trồng hoè làm cây lưu niên, bóng mát, cây giống, cho thu mỗi năm khoảng 30 đến 70 kg nụ, bán được trên chục triệu đồng, đem lại hiệu quả kinh tế khá và không tốn nhiều công đầu tư. Về hiệu quả xã hội, nếu cây hòe phát triển còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, từ khâu thu hoạch, chế biến, phơi sấy, bảo quản đến khâu thu mua lẻ… lao động phổ thông, thậm chí cụ già, trẻ nhỏ đều có thể làm được.
Phương pháp ươm và trồng hòe
Trước hết, người trồng nên chọn những cây hòe có chùm hoa to, nhiều nụ (bà con thường gọi là hòe nếp). Thời gian trồng từ tháng 12 đến tháng 2 (âm lịch), người dân nên chọn những quả đã chín, ngắt về tách hạt và có thể ươm ngay. Trước hết, người nông dân nên rải 1 lớp cát nhỏ hoặc đất mịn dày độ 7 – 10cm sau đó rải đều hạt hòe, cuối cùng phủ 1 lớp đất dày 4 – 5cm.
Khi hạt được tưới nước sau khoảng 20 – 30 ngày sẽ nảy mầm. Khi cây đã cao khoảng 5 – 7cm và được 2 – 3 cặp lá nhỏ, người trồng cho vào bầu nilon đã đóng đầy đất màu, sau đó xếp bầu theo hàng làm giàn che bớt ánh sáng và thường xuyên tưới nước. Cây hòe cao khoảng 40 – 60cm có thể trồng được (ở Tây Nguyên trồng đầu mùa mưa là tốt nhất).
Cách trồng cây hòe
Nếu hòe được trồng trên vùng đất trống, người dân nên trồng cây cách cây: 5 – 7m.Khi người trồng muốn trồng hòe xen với cà phê, cây có thể được trồng thưa hơn. Bước đầu tiên là đào hố vuông 40cm x 40cm sâu 40cm, dùng phân chuồng đã ủ hoai (cây hòe đặc biệt ưa phân chuồng) sau đó trộn lẫn phân, đất và đặt cây cho lấp hết bầu (trong lúc cắt bầu tránh làm vỡ bầu).
Chăm sóc và thu hoạch cây hòe
Cây hòe là loại cây rễ cọc, chịu hạn tốt, mùa khô có thể tưới thêm nước để cây phát triển nhanh. Người chăm bón có thể thay phân chuồng bằng phân vô cơ. Khi cây hòe đã cao khoảng 1,2 – 1,5m cần được ngắt ngọn chính để hoa hòe ra đầu cành, cây lên càng nhiều cành, càng nhiều hoa.
Cây hòe trồng thường ba năm thì có hoa, nếu chăm sóc tốt thì 2 năm hòe đã cho hoa. Cây hòe trồng 4 – 5 năm có thể cho từ 8 – 10kg hoa khô. Người dân có thể thu hoạch hòe khi chùm hoa đã to, nụ đã cương to sắp bung hoa thì ngắt, nếu ngắt non hoặc hoa đã nở năng suất sẽ giảm.
Sau khi đã ngắt chùm hoa hòe, hoa cần được loại bỏ lá, cuống hoa đem phơi khô là có thể bán được. Thông thường cứ 7 – 10 ngày, người nông dân có thể thu hoạch hòe 1 lần. Cây hòe thích nghi với những vùng đất phù hợp với cây cà phê, có khả năng chịu hạn tốt.
Kinh nghiệm trồng hoa hòe có hiệu quả kinh tế cao
Cần quy hoạch vùng trồng cây Hòe kết hợp với chế biến và tiêu thụ để tránh tình trạng nhân dân trồng tràn lan rồi bị tư thương ép giá. Tại Thái Bình, Công ty CP dược Khải Hà và Công ty Dược vật tư y tế Thái Bình đã có công nghệ chế biến và chiết tách Rutin từ hòe.
Kỹ thuật trồng hoa hòe cho năng suất cao:
Chọn giống Hòe:
Tại Thái Bình có giống Hòe nếp và Hòe tẻ; Hòe nếp có năng suất cao hơn, các hoa trên cùng một bông nở đồng đều hơn, mật độ hoa dầy hơn vì vậy bà con nên chọn giống Hòe nếp.
Chọn cây hòe:
– Cây Hòe gieo từ hạt: Ưu điểm cây có tuổi thọ dài, thời gian khai thác lâu. Nhược điểm: thời gian ra hoa sau khi trồng từ 3-4 năm trở lên. Hoa Hòe là cây tự thụ phấn, tỷ lệ giao phấn thấp. Vì vậy cần chọn bông hoa to để giống lấy hạt đem gieo. Hạt đã già, lấy hạt gieo trong cát ẩm khoảng 20 – 30 ngày là cây nẩy mầm, tiếp tục ươm cây con trong bầu đến khi cây cao từ 60 – 70 cm là đem trồng.
– Cây Hòe ghép: có tuổi thọ dài, thời gian khai thác lâu, trồng từ 2 năm trở lên là cho thu hoạch. Lấy những mắt ghép từ cây có hoa to, ghép sang cây con trồng từ hạt. Thời gian ghép: Mùa Xuân từ tháng 2 – 4, mùa Thu từ tháng 8 – 9. Ghép hòe bằng cách ghép mắt nhỏ có gỗ thì tỷ lệ sống cao hơn.
– Cây Hòe chiết: cây cho ra hoa nhanh hơn, sau khi trồng 1 năm là cho thu hoạch. Nhược điểm là tuổi thọ của cây thấp, nếu chăm sóc tốt chỉ thu hoạch từ 4 – 6 năm là cây cỗi.
Thời vụ và mật độ trồng:
Thời vụ trồng: Vụ Xuân trồng tháng 2, vụ Thu trồng vào tháng 8-9.
Nếu hòe trồng từ hạt hoặc trồng từ cây ghép, mật độ trồng từ 3,5-4,0 x 3,5-4,0 m. Một sào trồng từ 22 – 30 cây. Nếu hòe trồng từ cây chiết mật độ trồng từ 2,5-3,0 x 2,5-3,0 m. Một sào trồng từ 40 – 60 cây.
Chăm sóc:
– Phân bón: Hòe là cây họ đậu nên có khả năng tự cố định đạm tự do để sử dụng. Tuy nhiên để nâng cao năng suất, nhanh cho thu hoạch chúng ta phải bón phân cho cây hòe. Lượng phân bón cho hòe như sau:
+ Thời kỳ cây con (4 năm sau khi trồng) bón 0,2 – 0,8 kg đạm + 0,3 – 0,8 kg lân + 0,5 – 0,4 kg kali trong 1 năm/1 hốc. Nguyên tắc bón phân là khi cây còn nhỏ bón ít, khi lớn bón nhiều. Chia lượng phân trên ra 3 – 4 lần bón. Chỉ bón phân khi đất đủ ẩm. Nếu sử dụng phân NPK sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm cao như 20:10:10; 16:12:8.
+ Thời kỳ thu hoạch (sau khi trồng được 4 năm): bón 0,5 – 1 kg đạm + 0,3 – 0,5 kg lân + 0,5 – 1 kg kali. Cây càng to bón càng nhiều. Nếu sử dụng phân NPK sử dụng các loại có hàm lượng Kali cao như 13:13:13; 14:14:14; 15:15:15. Ưu tiên phân có hàm lượng TE vì Bo và Zn là hai yếu tố làm tăng sự ra hoa.
Thời gian bón: Vụ Xuân bón vào tháng 2 để đón lộc Xuân; vụ Hè từ tháng 4-5 để đón lộc hè là lộc cho hoa, vì vậy lượng phân vụ Xuân và vụ hè bón 30 – 40%. Vụ thu tháng 10 bón lượng phân còn lại để nuôi sức cho cây qua vụ đông kết hợp tỉa cành tạo tán làm cho cây có dáng phù hợp.
Có thể bón thêm phân chuồng từ 10 – 15 kg/hốc hoặc tưới nước rửa chuồng chăn nuôi hàng ngày
– Tỉa cành, tạo tán:
Khi cây cao 1,2 – 1,5 m, tiến hành bấm ngọn cho cây ra nhánh, Giữ lại từ 4-5 cành, sau đó tiếp tục bấm ngọn cành để tạo cành cấp 2. Cứ làm như vậy đến khi có bộ khung tán phân bố đều là được.
Bấm lộc xuân vào cuối tháng 3: Vì Hòe là cây ra hoa đầu cành nên càng nhiều ngọn, cây càng có năng suất cao. Tiến hành bấm lộc Xuân và bón phân vụ hè để đón lộc hè là lộc cho thu hoạch.
Tỉa cành vào cuối vụ thu hoạch làm cho bộ khung tán gọn gàng, tỉa cành sâu, cành nhỏ kết hợp bón phân vụ thu để phát triển lộc đông và lấy sức để cây qua đông.
Thu hoạch:
Khi thu hoạch chọn ngày nắng ráo thì phơi hòe được nắng sẽ thơm hơn, có màu đẹp hơn. Khi bẻ cành hoa chỉ nên bẻ hết phần cành hoa mà không bẻ sâu vào cành cấp thấp. Như vậy hòe nhanh ra hoa trở lại hơn.
Nguồn: Nghenong