Cây trồng lương thực

Kỹ thuật trồng cà rốt hiệu quả

Hiện đang là thời vụ trồng cà rốt vụ chính ở miền Bắc nước ta. Sau đây là một số biện pháp kỹ thuật cần lưu ý để nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm:

Kỹ thuật trồng cà rốt hiệu quả

Giống: Nên chọn cà rốt Nhật F1 TI-103, 444, Super VL-108, F1 – Sister đang được thị trường ưa chuộng.

Chọn đất: Cà rốt ưa các loại đất có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, tơi xốp. Tốt nhất là đất bãi phù sa ven sông.

Xử lý đất trồng: Trước khi gieo từ 2-3 ngày, rải thuốc sâu Diazan 10H, Regent… vào đất. Phun thuốc bệnh Validacin, Anvil, Tilt super… để diệt côn trùng cắn rễ, thân và các loại nấm gây thối rễ, củ ở trong đất.

Làm đất lên luống: Đất trồng cần làm kỹ, đất quá to sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của bộ rễ. Rải phân vô cơ lót khi làm đất lần cuối. Lên luống cao 30-35 cm, rãnh rộng 30 cm. Sau khi lên luống, rải phân hữu cơ hoai mục đều trên mặt luống, trộn đảo kỹ, san phẳng và gieo hạt.

Gieo hạt: Lượng giống từ 100 – 120 gr/sào.

Trước khi gieo hạt cần chà xát nhẹ cho gãy hết lông cứng, ngâm nước  8 – 10 giờ,  ủ hạt 24 giờ trong khăn ẩm. Trộn đều hạt với vôi bột hoặc bột phấn trắng. Gieo 3 hàng theo chiều dọc luống. Khoảng cách hàng 20 cm, hạt cách hạt 3 – 4 cm. Tưới ẩm, phun thuốc trừ cỏ Dual hoặc Heco…  rồi phủ kín rơm rạ lên mặt luống.

Giữ ẩm thường xuyên trước khi cây mọc. Khi cây mới mọc phun thuốc phòng trừ sâu xám, sùng trắng bằng thuốc Prevathion, Peran hoặc Diazan, bệnh lở cổ rễ dùng thuốc Carbedazin hoặc Validacin.

Lượng phân: Phân chuồng 3 – 4 tạ, đạm u rê 6 – 8 kg, supe lân 15 – 20 kg, kali 7 – 8 kg. Trong đó, nguồn phân chuồng, nhất là phân gà mục rất hữu ích cho cây cà rốt vì làm đất tơi xốp, giàu mùn, cây ít bị thối củ hay đứt rễ, mọc chà chạnh. Nếu không có cần thay thế bằng 1/10 so với phân chuồng lượng phân hữu cơ vi sinh. Với các vùng chuyên canh cà rốt nên thay thế lượng phân bón vô cơ trên bằng phân NPK (7-8 kg phân NPK: 16.16.8 cộng 20 kg phân NPK: 7.7.14) bón cho 1 sào.

Tỉa cây: Khi cây cao 5 – 8 cm thì tỉa lần 1, tỉa bỏ những cây xấu. Khi cây cao 10 – 15 cm thì tỉa lần thứ 2, tỉa định cây khoảng cách từ 15 – 16 cm đối với vụ sớm, 10 -12 cm đối với chính vụ.

* Chú ý: Thời kỳ cây con (chưa hình thành rễ củ) phải luôn giữ ruộng sạch cỏ, giữ ẩm thường xuyên cho cây và hạn chế tưới rãnh.

Ngoài ra cần phủ 1 lớp rơm rạ mỏng trên mặt luống sau gieo nhằm hạn chế đất bị đóng váng, ảnh hưởng đến cây mọc mầm và còn giữ ẩm đất, hạn chế cỏ dại sau này.

– Giai đoạn phát triển củ đến khi thu hoạch cần duy trì độ ẩm luống khoảng 60-70% để củ nhẵn, ít phân nhánh, mập, đều. Không nên tưới rãnh, không tưới quá ẩm hay để ruộng quá khô sẽ làm củ dễ bị bệnh thối hoặc nứt.

Sau khi gieo hạt, phủ rơm – rạ, tưới nước từ 1- 3 ngày cho bề mặt đất ổn định mới phun thuốc trừ cỏ. Dùng thuốc an toàn để trừ cỏ.

– Nhổ, tỉa cố định cây: Cà rốt cần đất tơi xốp để phát triển củ. Cho nên một vụ cà rốt cần xới xáo và vun luống tối thiểu 2 lần kết hợp với bón phân thúc.  Lưu ý khi củ phình to cần lấp kín vai củ. Đây là cách làm giúp vai củ cà rốt không bị xanh.

Ngoài ra, cần bổ sung phân bón lá vi lượng và siêu kali cho cà rốt bằng cách hòa bình phun lên thân lá định kỳ 1 tuần/lần (0,5 lạng kali + 1 gói siêu vi lượng/bình), nhất là thời kỳ cây con và thời kỳ cây cà rốt đang xuống củ. Làm được vậy cà rốt sẽ ít nhiễm bệnh và năng suất, chất lượng củ tăng hơn. Mặt khác, thân lá sẽ ít bị bỡi, lả lướt trên mặt luống khi thời tiết có mưa phùn kéo dài.

– Sâu bệnh cần phòng trừ: Thời kỳ cây non cà rốt thường bị sùng trắng, sâu xám cắn đứt rễ và thân lá. Cần xử lý thuốc vào đất trước khi trồng. Thời kỳ cà rốt phát triển thân lá và xuống củ cây rất hay bị bệnh phấn trắng, thối đen, thối nâu củ, nhất là khi thời tiết ẩm ướt kéo dài. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng kiểm tra để phòng trừ bệnh kịp thời mới cho kết quả cao.

– Thu hoạch cà rốt khi thấy các lá dưới cây chuyển vàng, lá non ngừng sinh trưởng, củ cà rốt phát triển tròn đều. Khi nhổ tránh gây xây xát, cắt bỏ thân, lá chỉ để lại phần cuống dài 10-15cm. Làm sạch củ bằng máy chuyên dùng rồi tiêu thụ.

KS. TRẦN THỊ LIÊN

Nguồn: Nghenong